Ngày 8/5, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Công Thành, lãnh đạo các đơn vị: Cục Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Vụ Môi trường, Vụ Pháp chế; Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên môi trường, Viện Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Văn phòng Bộ.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nghe báo cáo về tình hình quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam
Báo cáo về tình hình quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước (Điều 139) và được quy định chi tiết tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì thành lập thị trường các-bon trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới. Lộ trình triển khai thị trường các-bon trong nước chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến năm 2027; giai đoạn vận hành chính thức từ năm sau 2028.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, ông Tăng Thế Cường báo cáo tại cuộc họp
Về việc chuẩn bị cho phân bổ hạn ngạch phát thải, thực hiện quy định tại Nghị định 6/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022). Các cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính; Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chất thải. Bộ Công Thương đã ban hành quy định kỹ thuật cho lĩnh vực công thương, Bộ NNPTNT đã ban hành quy định kỹ thuật cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Theo báo cáo, hiện nay Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nội địa, tuy nhiên trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế, chủ yếu là các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (Cơ chế CDM). Thông qua các cơ chế, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính hấp thụ từ rừng với một số quỹ lâm nghiệp như Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp toàn cầu, Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp. Phần lớn lượng giảm phát thải đều được giữ lại đóng góp cho thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.